Bronny James, người con trai 18 tuổi của ngôi sao bóng rổ lừng danh LeBron James, đã đột ngột bị ngừng tim trong buổi tập bóng rổ tại Đại học Nam California vào ngày 25 tháng 7. Bronny James đã lập tức được sơ cứu và đưa đến bệnh viện. Ba ngày sau Bronny được xuất viện và đang trong quá trình hồi phục tại nhà.

Elon Musk, giám đốc điều hành của Tesla, cho rằng có thể có mối liên hệ giữa vaccine COVID-19 và trường hợp ngưng tim của Bronny James. Trong một bài đăng trên Twitter, Elon Musk đã tuyên bố rằng “Chúng ta không thể gán tất cả mọi thứ cho vaccine Covid-19, nhưng đồng thời, chúng ta cũng không thể gán chuyện này với điều gì khác. Viêm cơ tim là một tác dụng phụ đã biết của vaccine. Câu hỏi duy nhất ở đây là tình trạng này hiếm gặp hay xảy ra một cách phổ biến”.

Sau đó, Elon Musk đã xóa bài đăng, nhưng sự việc một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ viêm cơ tim cấp tính sau khi tiêm vaccine mRNA COVID-19.

Vào tháng 6 năm nay, Oscar Cabrera Adames, một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp người Dominica đã qua đời ở tuổi 28 do bệnh lý tim mạch. Vận động viên này từng tuyên bố anh bị viêm cơ tim sau khi tiêm hai mũi vaccine COVID-19.

Hai năm trở lại đây, từ khi bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 đã có sự gia tăng đáng kể số trường hợp viêm cơ tim. Một nghiên cứu thống kê quy mô lớn được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) vào năm 2021 với sự tham gia của hơn 2 triệu người cho thấy trước khi có chương trình tiêm vaccine COVID-19 (từ năm 2019 đến năm 2021), số trường hợp viêm cơ tim hoặc viêm cơ – màng ngoài tim trung bình mỗi tháng là khoảng 16,9 ca. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian tiêm vaccine (từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2021), con số này đã tăng lên đến 27,3 ca.

Viêm cơ tim là tình trạng viêm của cơ tim và viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm lớp màng mỏng bao xung quanh tim. Nghiên cứu cho thấy những người trẻ có nguy cơ cao bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine, ngược lại viêm màng ngoài tim thường gặp ở nhóm người lớn tuổi.

Vào tháng 7, các nhà nghiên cứu Canada đã công bố một nghiên cứu tổng quan hệ thống trên BMJ Open, một tạp chí thuộc Tạp chí Y khoa Anh (BMJ). Nghiên cứu cho thấy mặc dù số trường hợp viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim được phát hiện là không đáng kể, nhưng những người tiêm vaccine mRNA COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim cao gấp đôi so với những người không tiêm vaccine và không nhiễm COVID-19.

Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2022 trên tạp chí Nature Reviews Cardiology, một tạp chí liên kết với tạp chí Nature danh giá, tiết lộ rằng tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim cao nhất sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai và phần lớn các trường hợp này thường xảy ra ở nam giới trẻ tuổi. Hơn nữa hầu hết các trường hợp viêm cơ tim đều được phát hiện trong vòng từ ba đến bốn ngày sau khi tiêm vaccine.

Nhóm tác giả cho rằng tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim ở những người tiêm vaccine mRNA là tương đối hiếm và căn bệnh này thường tự khỏi trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Vì vậy, những nhà nghiên cứu này cho rằng lợi ích của vaccine lớn hơn nguy cơ và họ khuyến nghị trẻ thanh thiếu niên và người lớn đều nên tiêm vaccine COVID-19.

Cẩn thận với hoạt động gắng sức sau khi bị viêm tim
Trong chương trình “Sức khỏe 1+1” của NTDTV, Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng, một chuyên gia về virus và bệnh truyền nhiễm ở Châu Âu, đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim có xu hướng tăng dần sau khi tiêm vaccine.

Bác sĩ Đổng cho rằng việc tiêm vaccine không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus, vì quá trình biểu hiện gen, tình trạng sức khỏe và sức miễn dịch khác nhau ở từng người. Do đó, việc tiêm vaccine sẽ không thể đảm bảo hoàn toàn khả năng miễn dịch và không tiêm vaccine cũng không nhất thiết sẽ bị nhiễm bệnh.

Tại chương trình này, bác sĩ Đổng đã chia sẻ 4 bí quyết hỗ trợ cho sự hồi phục của những bệnh nhân viêm tim.

  • Nghỉ ngơi, tránh tập thể dục nặng và lao động chân tay nặng trong sáu tháng tiếp theo, tránh những hoạt động gây căng thẳng cho tim.
  • Hãy chú ý đến chế độ ăn và tránh dùng các chất kích thích có thể ảnh hưởng đến tim, như những đồ uống có chứa caffeine.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, cố gắng kiềm chế cảm xúc và tránh thức khuya.
  • Tuân thủ quá trình điều trị tại bệnh viện, tham gia các bài tập cả về thể chất và tinh thần để giúp tim phục hồi hoàn toàn.

4 loại thực phẩm tốt cho tim mạch được chuyên gia khuyên dùng

Trong chương trình “Sức khỏe 1+1”, của NTDTV, giáo sư y học cổ truyền Jonathan Liu của Đại học Georgian ở Canada đã đề xuất bốn loại thực phẩm tốt cho tim mạch:

  1. Cà rốt rất giàu carotenoid và vitamin A, không chỉ giúp tăng cường thị lực mà còn có tác dụng bảo vệ biểu mô, tăng cường chức năng miễn dịch, bảo vệ nhiều cơ quan khác nhau và giúp loại bỏ các gốc tự do. Các nghiên cứu phát hiện rằng những người dùng nhiều carotenoids có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch thấp hơn.
  2. Quả việt quất có chứa anthocyanin, có thể ngăn chặn phản ứng oxy hóa, nên có tác dụng bảo vệ tim và mạch máu. Loại quả này cũng chứa các loại hợp chất chống viêm giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
  3. Mộc nhĩ có thể làm giảm độ nhớt của máu, giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
  4. Cà chua rất giàu lycopene. Đó là một chất chống oxy hóa tự nhiên giúp trung hòa các gốc tự do có hại và ngăn ngừa tình trạng viêm tim diễn tiến nặng hơn. Một nghiên cứu (pdf) cho thấy rằng nồng độ lycopene trong máu cao có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

(Bài đăng trên The Epoch Times – Epoch Health của tác giả: Ellen Wan)

(Ellen Wan: Làm việc cho The Epoch Times tiếng Nhật từ năm 2007).

Theo The Epoch Times – Epoch Health tiếng Anh

Đức An biên dịch